Chào mừng bạn đến với website chuyên về nhựa đường nhập khẩu A-Z

DỰ ÁN ĐƯỜNG CAO TỐC HÒA LẠC - HÒA BÌNH: Chậm giải phóng mặt bằng, thời hạn hoàn thành bị đẩy lùi

Ngày đăng: 01-12-2016 | 6:42 PM | 493 Lượt xem | Người đăng: admin

Một đoạn tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình đang được nhà thầu khẩn trương thi công.
 Font Size:     |  
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, triển khai theo hình thức BOT sau khi hoàn thành, đi vào khai thác sẽ tạo ra trục giao thông liên kết giữa Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc, giảm tải cho quốc lộ 6 và góp phần hình thành những vùng động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hòa Bình và các địa phương khác trong khu vực. Tuy có vai trò kết nối hết sức quan trọng, song thời hạn hoàn thành liên tục bị đẩy lùi mà nguyên nhân cản tiến độ do công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) hết sức chậm chạp.

Hai năm, mặt bằng vẫn “xôi đỗ”

Tuyến đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình có chiều dài 25,6 km, tổng mức đầu tư 2.375 tỷ đồng, do liên danh Tổng công ty 36 - Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Hà Nội - Công ty CP Xây lắp và Thương mại Trường Lộc làm nhà đầu tư, Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông vận tải - GTVT) là cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại dự án. Theo thiết kế, đoạn không qua đô thị là cao tốc loại B có vận tốc 100 km/giờ, rộng 33 m, gồm sáu làn xe; đoạn qua đô thị có vận tốc 60 km/giờ, rộng 42 m. Trên toàn tuyến có bảy nút giao thông và 12 công trình cầu lớn, nhỏ.

Dự án xây dựng đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình theo hình thức hợp đồng BOT là dự án trọng điểm quốc gia. Việc hoàn thành hợp phần nâng cấp, cải tạo quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình làm cơ sở triển khai xây dựng đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình là nỗ lực rất lớn của Bộ GTVT, UBND tỉnh Hòa Bình và TP Hà Nội, cũng như nhà đầu tư BOT,… Khi dự án hoàn thành, sẽ nâng cao năng lực thông hành, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng, bảo đảm an toàn giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP Hà Nội, tỉnh Hòa Bình và cải thiện hệ thống GTVT đường bộ hướng tây nam của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Hoàn thiện dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, thúc đẩy hoạt động vận tải hàng hóa, mang lại động lực phát triển kinh tế cho địa phương và vùng tây bắc.

Tuy nhiên, theo tiến độ đề ra ban đầu, dự án đã bị trễ hẹn nhiều lần, do công tác GPMB của Hà Nội gặp nhiều vướng mắc, tiến triển rất chậm. Bộ GTVT liên tục thúc giục TP Hà Nội đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư BOT. Trong các cuộc họp trước đó, lãnh đạo Bộ GTVT và TP Hà Nội đã “chốt” thời gian hoàn thành việc GPMB từ tháng 9-2015, tuy nhiên Hà Nội đã phải liên tiếp gia hạn vào các tháng 6, 8, 10-2016. Giám đốc Công ty TNHH BOT Hòa Lạc - Hòa Bình Bùi Quang Bát cho biết, đến thời điểm này, mặt bằng đoạn qua tỉnh Hòa Bình đã bàn giao được 18,9 trong số 19,3 km (đạt 97%), phần mặt bằng chưa giải phóng chỉ còn lại 400 m, trong đó tại địa phận huyện Kỳ Sơn là 250 m và TP Hòa Bình là 150 m. Tại địa bàn Hà Nội, tổng diện tích mặt bằng địa phương đã bàn giao cho nhà đầu tư đạt 14,6 ha trong số 30,9 ha (đạt 47,5%), tuy nhiên, diện tích mặt bằng đủ điều kiện thi công (các gói thầu đang thi công) chỉ khoảng 8,8 ha trong số 14,6 ha (chiếm 60%); khoảng 40% diện tích mặt bằng (5,8 ha) tuy đã được bàn giao song không đủ điều kiện đưa nhân lực, máy móc vào thi công. Chính vì mặt bằng chỉ được bàn giao theo kiểu “xôi đỗ” khiến nhà thầu không thể huy động máy móc và nhân công ra công trường, không phát huy hết năng lực, tiến độ rất ì ạch.

Hiện, UBND huyện Thạch Thất (Hà Nội) đã công bố phương án bồi thường GPMB cho các hộ dân còn lại sử dụng đất nông, lâm nghiệp, đất ở. Dự kiến, chậm nhất là trong tháng 12-2016 sẽ giải quyết dứt điểm cho các hộ dân sử dụng đất nông nghiệp. Đối với các trường hợp đã rõ nguồn gốc sử dụng đất, TP Hà Nội yêu cầu huyện Thạch Thất khẩn trương chỉ đạo phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư; các trường hợp mua bán, chuyển nhượng đất chưa làm thủ tục đúng quy định thì phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư cho người sử dụng đất theo hồ sơ quản lý; nếu người sử dụng đất không nhận tiền bồi thường thì tạm gửi Kho bạc Nhà nước quản lý theo quy định. Bộ GTVT cũng yêu cầu Ban Quản lý dự án 2 và nhà đầu tư bố trí đầy đủ kinh phí GPMB, phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở trong quá trình triển khai. Bên cạnh đó, UBND thành phố Hà Nội đã giao Ban Chỉ đạo GPMB phối hợp các sở, ngành liên quan đề xuất cơ chế, chính sách cho các hộ dân tự lo tái định cư và các hộ dân canh tác sử dụng đất trên diện tích do Bộ Quốc phòng quản lý.

Thông xe trước ngày 30-4-2017

Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2, đến thời điểm này, tiến độ dự án qua tỉnh Hòa Bình đã cơ bản hoàn thành, đạt hơn 80% khối lượng khi các gói thầu đang khẩn trương triển khai thi công ở toàn bộ phạm vi đã được bàn giao mặt bằng như 09XL, 10XL, 11XL, 12XL, 13XL, 14XL, 15XL, cùng với đó là chín cầu trên tuyến đã thi công xong 100%. “Đối với dự án qua địa phận tỉnh Hòa Bình, những đoạn đã có mặt bằng thi công, nhà thầu đã cơ bản thi công xong nền đường, đang thi công lớp cấp phối đá dăm, nhiều đoạn đã thảm bê-tông nhựa và hoàn thành trước ngày 30-10 vừa qua. Riêng với những đoạn chưa có mặt bằng thi công, phấn đấu hoàn thành trước ngày 31-3-2017” - Phó Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án 2 Lưu Việt Khoa nhấn mạnh. Đối với đoạn qua địa phận Hà Nội, Bộ GTVT đã chấp nhận gia hạn tiến độ hoàn thành trước ngày 30-4-2017 cho nhà đầu tư BOT vì vướng mặt bằng, thi công theo kiểu xôi đỗ, hoặc có gói thầu chưa bàn giao được một mét mặt bằng nào khiến các nhà thầu “án binh bất động” trong việc thi công.

Nhằm thúc tiến độ dự án, Ban Quản lý dự án 2 đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình và TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị, ban, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ nhà đầu tư trong việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư, xử lý dứt điểm các điểm còn vướng mặt bằng; xem xét việc ban hành cơ chế đặc thù để rút ngắn trình tự, thủ tục (thời gian thẩm định, phê duyệt...) đẩy nhanh công tác GPMB cho dự án. Bộ GTVT đề nghị TP Hà Nội chỉ đạo Hội đồng GPMB địa phương phân tách công tác này thành hai phần riêng biệt (dân sự, quân sự) để thuận tiện trong quá trình triển khai GPMB, nhất là đoạn qua đất quốc phòng.

Với nhà đầu tư, Ban Quản lý dự án 2 yêu cầu tăng cường nhân sự điều hành, lập kế hoạch thi công chi tiết, tập trung nguồn lực, huy động bổ sung các mối thi công (cầu, công trình thoát nước, nền móng đường...) triển khai thi công các hạng mục công việc còn lại; cương quyết thay thế các nhà thầu năng lực yếu kém không đáp ứng tiến độ yêu cầu của dự án.

Về góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh cam kết: Tỉnh sẽ tổ chức bàn giao toàn bộ mặt bằng trong thời gian sớm nhất. Chính quyền địa phương sẽ áp dụng nhiều biện pháp để giải tỏa, di dời, trả mặt bằng sạch cho nhà đầu tư thi công. Địa phương cũng kiến nghị Bộ GTVT sớm công bố quy hoạch của tuyến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình (bốn làn xe) làm cơ sở cho chính quyền địa phương quản lý mốc giới, nhằm ngăn chặn các hộ dân lấn chiếm trái phép. Hiện, Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai ngay việc cắm mốc quy hoạch tuyến đường để chính quyền địa phương quản lý, tránh tình trạng người dân lấn chiếm trái phép.

 

 Chia sẻ

Đăng ký nhận thông tin khuyễn mại

Kết nối với chúng tôi:  Fanpage G+ Twitter

hh
Chi nhánh tại Hải Phòng

HHPETROL

Địa chỉ: Số 29 Lương Khánh Thiện, Ngô Quyền, TP. Hải Phòng

Văn Phòng giao dịch: Bh 01-22 Vinhomes Imperia Bạch Đằng, Phường Thượng Lý, Quận Hồng Bàng, Hải Phòng

Điện thoại: 0981.298.438 - Fax: 0313 753 366

Email: tuyethhpetrol@gmail.com

Trụ sở tại Hà Nội

HHPETROL

Địa chỉ: Số 6, Ngách 9/14 Lương Định Của, P.Kim Liên, Q.Đống Đa, TP.Hà Nội

Văn Phòng giao dịch: Nhà T42707, Khu đô thị Vinhomes Times City, Số 458 Minh Khai, P.Vĩnh Tuy, Q.Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0981.298.438 - Fax: 043 678 1888

Email: tuyethhpetrol@gmail.com

Tại TP. Hồ Chí Minh

HHPETROL

Địa chỉ: Số 158A Võ Thị Sáu, Phường 08, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh

Văn Phòng giao dịch: Số 158A Võ Thị Sáu, Phường 08, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 0981.298.438 

Email: tuyethhpetrol@gmail.com

Fanpage Facebook
Hotline
0981.298.438
Hotline:
0981.298.438